Với chủ đề "We Have Wings" (tạm dịch “Chúng ta có những đôi cánh”), Lễ khai mạc Paralympic Tokyo 2020 đã chính thức khai mạc tại sân vận động quốc gia ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản.
Xúc động giây phút Đoàn TTNKT Việt Nam diễu hành tại Lễ khai mạc (Ảnh:ĐKT)
Đoàn TTNKT Việt Nam do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao - Nguyễn Hồng Minh làm Trưởng đoàn, cùng các VĐV đã tiến vào sân vận động trong trang phục màu đỏ ấn tượng.
Dù hình ảnh này vốn đã rất quen thuộc mỗi khi Việt Nam tham dự một kỳ đại hội nào song trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì nó đã tạo lên một cảm xúc mãnh liệt về tinh thần vượt khó, sự nỗ lực hết mình của Thể thao Việt Nam nói chung và TTNKT nói riêng trong tiến trình hội nhập cùng thế giới. Đó cũng còn là niềm tin vào ngày mai, là động lực cho những người không may mắn biết vươn lên trong cuộc sống, vượt lên số phận để được chắp canh bay cao, thực hiện mơ ước của chính mình.
Đoàn TTNKT Việt Nam tham dự Thế vận hội lần này gồm 15 thành viên, trong đó có 7 VĐV tranh tài ở 3 môn: Điền kinh, Bơi và Cử tạ. Trong buổi tối đêm khai mạc, 2 VĐV cầm Cờ cho Đoàn Việt Nam là VĐV môn ném lao nam Cao Ngọc Hùng và VĐV cử tạ Châu Hoàng Tuyết Loan. Đây là lần thứ hai, Cao Ngọc Hùng có vinh dự này sau khi cầm cờ tại lễ khai mạc Paralympic London 2012.
Cao Ngọc Hùng cho biết, vinh dự được cầm Cờ cho Đoàn TTNKT Việt Nam sẽ là động lực để Hùng cố gắng tập luyện, thi đấu tốt hơn. Đây cũng là dịp để Hùng giới thiệu về hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Các thành viên của Đoàn rạng ngời trong trang phục truyền thống của TTVN (Ảnh:ĐKT)
Tới dự lễ khai mạc Paralympic lần thứ 16 có Nhật hoàng Naruhito, Thủ tướng Suga Yoshihide và một số quan chức cấp cao khác của Nhật Bản, quan chức thể thao của nhiều nước và lãnh đạo của một số tổ chức quốc tế, cùng với hàng ngàn VĐV đại diện cho trên 160 quốc gia/vùng lãnh thổ tham dự thế vận hội này.
Paralympic Tokyo diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, khi dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới và số ca nhiễm tại Nhật Bản những ngày qua đang gia tăng. Nhật Bản đã phải ban bố tình trạn khẩn cấp khi xuất hiện biến chủng mới Lambda với tốc độ lây nhiễm siêu nhanh để cảnh báo người dân. Do đó, Chính phủ Nhật Bản đã không cho phép khán giả nước ngoài tới nước này để cổ vũ cho các VĐV, cũng như mọi hoạt động của Thế vận hội đều không cho khán giả trong nước tới sân để dự khán.
Paralympic Tokyo 2020 có 539 nội dung thuộc 22 môn thể thao, tăng 2 môn thể thao so với kỳ thế vận hội trước, trong đó có hai môn mới xuất hiện lần đầu tiên ở Paralympic là Cầu lông và Taekwondo. Có tổng cộng 4.403 VĐV, trong đó có 1.853 VĐV nữ, đến từ 161 quốc gia/vùng lãnh thổ tham dự thế vận hội này. Đây là đại hội TTNKT có số lượng VĐV tham gia đông nhất từ trước tới nay.
Trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ dự Paralympic Tokyo, có 5 đoàn mới tham gia lần đầu, trong đó có Bhutan và Paraguay, nhưng cũng có một số đoàn như Samoa, Kiribati, Tonga và Vanuatu không thể cử VĐV tham dự, chủ yếu do dịch bệnh.
Đoàn thể thao Nhật Bản dự Paralympic Tokyo có 464 thành viên, trong đó có 254 VĐV, thi đấu ở tất cả các môn. Và Nhật Bản cũng là đoàn thể thao đông nhất tại thế vận hội này.
Phát biểu khai mạc, ông Andrew Parsons, Chủ tịch Ủy ban Paralympic quốc tế cho biết: “Tôi không thể tin rằng chúng ta đang ở đây. Sự kiện thể thao trong điều kiện khó khăn nhất sắp bắt đầu. Paralympic là một nền tảng cho sự thay đổi nhận thức về người khuyết tật. Việc không may bị khiếm khuyết trên cơ thể là một thế mạnh, nó không phải là một điểm yếu. Đây là thời điểm các VĐV khuyết tật thể hiện tài năng của mình với thế giới. Họ là những người tốt nhất của nhân loại. Họ thật tuyệt vời”./.
Nguồn tin: Vân Thùy (trang tin điện tử thể dục thể thao Việt Nam https://tdtt.gov.vn)
Ý kiến bạn đọc