ỨNG DỤNG MÁY PHÂN TÍCH INBODY 770 PHÂN TÍCH CẤU TRÚC THÀNH PHẦN CƠ THỂ VĐV CÁC ĐỘI TUYỂN THỂ THAO QUỐC GIA

Thứ sáu - 09/05/2025 11:14 207 0
TS. Nguyễn Trọng Nguyên - PGĐ Trung tâm HLTTQG;
ThS. Bạch Mai Ly – PTP Phòng KHYHTT;
ThS. Phạm Ngọc Hải - CVC Phòng KHYHTT.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Kiểm tra, đánh giá trình độ tập luyện (TĐTL) trong huấn luyện thể thao hiện đại có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp cho huấn luyện viên (HLV) trong quá trình huấn luyện, đánh giá một cách khách quan, đúng đắn sự tác động của lượng vận động tập luyện nhằm điều chỉnh kịp thời kế hoạch và phương pháp huấn luyện, đồng thời cũng giúp cho vận động viên (VĐV) có thể tự đánh giá năng lực của mình. Trong quy trình đào tạo VĐV với mục đích đạt được thành tích thể thao cao, yếu tố hết sức quan trọng và không thể thiếu được trong quá trình huấn luyện là việc đánh giá đúng TĐTL của VĐV. Việc đánh giá TĐTL của VĐV các cấp theo độ tuổi, giới tính và môn thể thao chuyên sâu rất có ý nghĩa về mặt thực tiễn và lý luận, đặc biệt trong tuyển chọn và huấn luyện VĐV [2, 3].
Trình độ tập luyện của VĐV là tổng hợp của nhiều thành tố: thể lực, kỹ chiến thuật, chức năng tâm - sinh lý thể hiện qua những biến đổi thích ứng về mặt sinh học của hệ thống các cơ quan trong cơ thể VĐV và luôn luôn biến đổi theo quy luật của sự phát triển thành tích dưới tác động của lượng vận động tập luyện và thi đấu. Trong hoạt động TDTT, thành phần cơ thể biến đổi phụ thuộc vào đặc điểm vận động của từng môn thể thao. Do đó, cần thiết tiến hành đánh giá thành phần cơ thể VĐV theo từng môn thể thao; giới tính; lứa tuổi; trình độ tập luyện. Nhiệm vụ quan trọng đối với mỗi HLV là kiểm tra, đánh giá diễn biến về cấu trúc thành phần cơ thể VĐV trong mỗi giai đoạn huấn luyện cũng như các đánh giá về thể lực, kỹ thuật, tâm lý… làm cơ sở điều chỉnh kế hoạch huấn luyện kịp thời, phù hợp với từng VĐV góp phần nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện nói chung.
Trước đây, do hệ thống trang thiết bị NCKH tại Trung tâm HLTTQG còn thiếu, do vậy công tác kiểm tra thành phần cơ thể VĐV thường được thực hiện bằng các phương pháp thủ công, độ chính xác không cao và chủ yếu là đo đạc các chỉ số hình thái cấu trúc bên ngoài do vậy, tính toàn diện để đánh giá sự phát triển trình độ của VĐV chưa được đảm bảo, nhiều thành phần cấu trúc cơ thể như: cấu trúc cơ, tỷ lệ thành phần nước, tỷ lệ khối lượng mỡ, khối lượng cơ, tính cân bằng các thành phần cơ thể cấu trúc cơ thể chưa được xem xét đánh giá dẫn đến việc kiểm soát thành phần cơ thể để điều chỉnh kế hoạch huấn luyện chưa đạt hiệu quả mong muốn.
Hiện nay, Trung tâm HLTTQG đã được đầu tư một số trang thiết bị khá hiện đại phục vụ cho nghiên cứu khoa học và chăm sóc sức khỏe VĐV đã bước đầu đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác huấn luyện khoa học. Vì vậy, ứng dụng máy phân tích Inbody 770 phân tích cấu trúc thành phần cơ thể VĐV các đội tuyển thể thao quốc gia rất có giá trị về thực tiễn và ý nghĩa khoa học trong việc nắm bắt thông tin khách quan, chính xác, nhanh chóng, hệ thống về các thành phần cơ thể VĐV. Kết quả đánh giá thực trạng cấu trúc thành phần cơ thể là căn cứ quan trọng để các HLV, chuyên gia, bác sỹ có thể khuyến nghị điều chỉnh chế độ, chương trình tập luyện kịp thời, dinh dưỡng và chăm sóc y tế phù hợp với đặc điểm từng môn thể thao nhằm nâng cao hiệu quả huấn luyện, cải thiện và chăm sóc sức khỏe VĐV.
II. NỘI DUNG
1. Ý nghĩa của việc đánh giá cấu trúc thành phần cơ thể VĐV trong hoạt động thể thao
Trong thời gian qua, sự phát triển trong việc nghiên cứu thành phần cơ thể con người đã trải qua một chặng đường phát triển ấn tượng, từ việc sử dụng các phương pháp cổ điển như đo lường nhân trắc học và cân bằng thủy tĩnh đến việc phát triển và áp dụng rộng rãi các phương pháp xác định thành phần cơ thể dựa trên việc đo lường các tham số của các trường vật lý bên ngoài khi chúng tương tác với cơ thể. Đối với việc xác định thành phần cơ thể con người có ý nghĩa quan trọng trong thể thao và được các huấn luyện viên cũng như bác sỹ thể thao sử dụng để tối ưu hóa chế độ tập luyện trong quá trình chuẩn bị cho các cuộc thi [8, 9]. Đồng thời, các phương pháp hiện đại cho phép nghiên cứu thành phần cơ thể ở tất cả các cấp độ tổ chức của hệ thống sinh học: cấp độ nguyên tố, phân tử, tế bào, mô và cơ quan, cũng như ở cấp độ toàn bộ cơ thể.
Hiện nay có nhiều phương pháp xác định thành phần cơ thể của vận động viên. Phân tích các tài liệu cho thấy, một số chuyên gia cho rằng kho tàng các phương pháp hiện có nên được phân loại thành các nhóm như sau: nhân trắc học, bao gồm chỉ số khối cơ thể và đo độ dày da, vật lý, bao gồm các phương pháp cân dưới nước, đo thể tích, đo thể tích không khí, đo trở kháng sinh học cũng như các phương pháp sinh lý học, đặc biệt là các phương pháp pha loãng đồng vị [5, 6].
Trong các nghiên cứu khoa học và lâm sàng, yêu cầu về độ phân giải cao của phương pháp trở nên rất quan trọng. Tùy thuộc vào các chỉ số thành phần cơ thể mà các phương pháp chuẩn được coi là phân tích hoạt hóa neutron và phương pháp xác định độ phóng xạ tự nhiên của toàn bộ cơ thể (ở cấp độ nguyên tố), các phương pháp pha loãng, đo mật độ thủy tĩnh, đo hấp thụ X-quang năng lượng, cũng như sự kết hợp của các phương pháp này để sử dụng trong các mô hình đa thành phần của thành phần cơ thể. Phát hiện cách mạng trong nửa sau thế kỷ XX liên quan đến việc phát triển và áp dụng chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ, cho phép đánh giá định lượng thành phần cơ thể ở cấp độ mô.
Theo xu thế phát triển, thể thao ngày càng bị chi phối bởi xu hướng tăng trưởng nhanh chóng của các kỷ lục, sự phức tạp của các chương trình kỹ thuật, mà có liên quan đến việc tăng cường đáng kể cường độ luyện tập và thi đấu, do đó, dẫn đến sự thay đổi trong các chỉ số hình thái của thể chất vận động viên. Về vấn đề này, việc đánh giá thành phần cơ thể của vận động viên đang ngày càng trở nên quan trọng. Việc theo dõi thành phần cơ thể của vận động viên cho phép đánh giá tình trạng sức khỏe và thể lực của vận động viên, rất hữu ích cho việc quản lý quá trình tập luyện [7].
2.Tính năng của máy phân tích thành phần cơ thể InBody 770
Máy InBody 770 là thiết bị hoạt động dựa trên nguyên lý BIA (Bioelectrical Impedance Analysis), sử dụng dòng điện yếu, an toàn để đo sức cản của cơ thể. Dựa vào sức cản của cơ thể, máy InBody 770 phân tích các chỉ số cơ thể chính xác. Công nghệ BIA (Bioelectrical Impedance Analysis) là một phương pháp đo lường thành phần cơ thể dựa trên việc đo sức cản điện của cơ thể. Khi dòng điện yếu, an toàn được đưa vào cơ thể, nó sẽ gặp sự cản trở khác nhau tùy thuộc vào các thành phần cơ thể như cơ, mỡ và nước [4]. Dựa vào bốn trụ cột công nghệ để mang lại kết quả nhanh chóng và chuẩn xác. Những trụ cột này cho phép tin tưởng rằng kết quả là sự phản ánh chân thật hiện trạng của VĐV, từ trong ra ngoài.
*Đo trực tiếp theo từng đoạn cơ thể
Đo phân đoạn trực tiếp (Đo trực tiếp theo từng phân đoạn của cơ thể) đo nước, khối lượng cơ và khối lượng chất béo trong năm phân đoạn cơ thể: Cánh tay phải, Cánh tay trái, Chân phải, Chân trái và Thân giữa. Bằng cách đo riêng từng phân đoạn của cơ thể, InBody cung cấp một phân tích chuyên sâu về sự cân bằng lượng cơ và lượng chất béo của bệnh nhân trong từng phân đoạn một cách độc lập. Xác định được sự phân phối của Lượng cơ và Lượng chất béo trên từng phân đoạn cho phép đánh giá tốt hơn các rủi ro sức khỏe liên quan trong khi Phân tích Nước ngoại bào/ Nội bào phân đoạn có thể được sử dụng để xác định viêm toàn phần hoặc viêm một phần, do chấn thương, tình trạng sức khỏe tiềm ẩn hoặc biến chứng phẫu thuật
* Đa tần số
Các thiết bị InBody sử dụng nhiều tần số để đo lượng nước cơ thể chính xác hơn các phương pháp thông thường như thay đổi cân nặng hoặc ấn điểm phù nề rỗ. Các tần số cao và thấp này đo cả Nước nội bào và ngoại bào, tạo ra các biện pháp chính xác của từng ngăn nước cơ thể. Với các biện pháp đo chính xác, InBody có thể được sử dụng để xác định sự mất cân bằng chất lỏng hoặc giữ nước xuất phát từ viêm hoặc chấn thương cũng như theo dõi những thay đổi do can thiệp và phục hồi tập thể dục.
*8 điểm tiếp xúc điện cực
InBody sử dụng hệ thống 8 điểm tiếp xúc Điện cực để đảm bảo rằng các phép đo trước và sau luôn có cùng điểm chạm. Chính việc này sẽ làm cho các kết quả chính xác và có thể làm lại nhiều lần mà không lo bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nhầm lẫn bên ngoài, các kết quả thu được là kết quả trực tiếp, có thể sử dụng để làm con số cho thí nghiệm lâm sàng.
* Hoàn toàn không sử dụng ước lượng
InBody không dựa vào ước tính dựa trên tuổi, giới tính hoặc dân tộc để dự đoán kết quả. Với mức độ chính xác cao nhờ vào những tiến bộ công nghệ vượt bậc, InBody loại bỏ các giả định liên quan đến dân số khi xác định thành phần cơ thể để đảm bảo kết quả chỉ dựa trên từng cá nhân, cho phép theo dõi hiệu quả những thay đổi trong quá trình luyện tập. Tính chính xác của InBody đã được khẳng định qua nhiều nghiên cứu y học trên thế giới, với độ chính xác 98% so với máy DEXA.
Các chỉ số sau được ước tính gần đúng:
- Chỉ số khối cơ thể (BMI).
- Giá trị cá nhân của cân nặng lý tưởng .
- Lượng mô mỡ tính bằng kilôgam và tỷ lệ với tổng khối lượng.
- Lượng dịch ngoại bào (máu, bạch huyết).
- Lượng dịch nội bào.
- Lượng chất lỏng trong cơ thể ở trạng thái liên kết (trong phù nề).
- Số lượng tính bằng kilôgam và tỷ lệ phần trăm khối lượng tế bào hoạt động (cơ, cơ quan, não và tế bào thần kinh).
- Tỷ lệ trao đổi chất cơ bản (kcal) là quá trình trao đổi chất trong 24 giờ khi nghỉ ngơi.
- Tỷ lệ ion natri và kali trong cơ thể (Na/K).
- Độ lệch của giá trị đo được so với chuẩn mực.
                       Bảng phân tích chi tiết về thành phần cơ thể tổng thể
Các thông số đo nâng cao (nước nội bào, ngoại bào,...) : Nước trong tế bào, Nước ngoài tế bào, Phân tích ECW/TBW, Mức mỡ nội tạng, Phân tích mỡ phân đoạn, Diện tích mỡ nội tạng, Phân tích nước trong cơ thể phân đoạn, Phân tích ECW/TBW phân đoạn, Phân tích ICW phân đoạn, Phân tích ECW phân đoạn, Khối lượng cơ chân, TBW/LBM, Điện kháng, Góc pha toàn thân và phân đoạn
Dựa vào sức cản của cơ thể, máy InBody 770 phân tích các chỉ số cơ thể chính xác như: Khối lượng cơ bắp: Bao gồm khối lượng cơ, giúp đánh giá mức độ sức mạnh cơ thể. Khối lượng mỡ: Bao gồm lượng mỡ nội tạng và mỡ dưới da, giúp đánh giá nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì. Nước trong cơ thể: Giúp đánh giá tình trạng hydrat hóa, giúp lựa chọn chế độ uống phù hợp. Khối lượng xương: Giúp đánh giá mật độ xương, giúp phát hiện nguy cơ loãng xương sớm. Tỷ lệ cơ/mỡ: Giúp phân tích tỷ lệ cơ bắp và mỡ trong cơ thể, giúp theo dõi hiệu quả chương trình tập luyện và chế độ ăn uống.

3. Giá trị thu được từ các kết quả kiểm tra cấu trúc thành phần cơ thể VĐV bằng máy phân tích Inbody 770.
Dựa trên kết quả kiểm tra thu được bằng máy phân tích Inbody đối với VĐV các đội tuyển thể thao quốc gia tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia, giúp việc phân tích, đánh giá và khuyến nghị đối với từng VĐV trong kiểm soát các chỉ số thành phần cơ thể cũng như huấn luyện tăng cường các mặt còn hạn chế. Các khuyến nghị liên quan được đề cập:
3.1. Khuyến nghị Kiểm soát lượng mỡ cơ thể: Là phần trăm mỡ trong cơ thể, được tính bằng công thức Khối lượng mỡ/Trọng lượng. Chỉ số này có thể chỉ ra những bộ phận đang tích trữ mỡ thừa. Quản lý chỉ số mỡ cơ thể giúp hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe và rủi ro liên quan đến thừa cân hoặc béo phì. Đây là một phần quan trọng trong việc hiểu rõ tình trạng sức khỏe để đánh giá nguy cơ của các vấn đề liên quan đến thừa cân hoặc béo phì. Việc nắm rõ tỷ lệ mỡ trong cơ thể giúp nắm được bao quát hơn về tình trạng sức khỏe của chính VĐV thay vì chỉ dựa vào cân nặng hoặc BMI. Mỡ thừa trong nội tạng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp và nhiều vấn đề nghiêm trọng khác.
Thường xuyên đo chỉ số mỡ giúp phát hiện kịp thời các thay đổi bất thường trong cơ thể VĐV. Nếu biết được tỷ lệ mỡ cơ thể VĐV có thể điều chỉnh chế độ ăn và chương trình tập luyện để đạt được mục tiêu huấn luyện đề ra. Hoặc tỷ lệ mỡ cao hơn bình thường bạn có thể thay đổi lối sống hoặc đến gặp bác sĩ để kiểm tra khi cần thiết.
3.2. Khuyến nghị Kiểm soát cơ bắp cơ thể: Là tổng lượng cơ bắp trong cơ thể. Chỉ số này càng cao tương ứng với cơ thể săn chắc. Đánh giá sức mạnh của cơ thể.
3.3. Khuyến nghị Kiểm soát tỷ lệ % chất béo cơ thể (PBF): Chỉ số mỡ cơ thể (Body Fat Percentage - BFP) là một thước đo cho biết tỷ lệ phần trăm mỡ có trong tổng trọng lượng cơ thể của một người. Đây là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ mỡ trong cơ thể và tình trạng sức khỏe liên quan đến thừa cân hoặc béo phì. Mỡ cơ thể quá cao hoặc quá thấp đều có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe.
3.4. Khuyến nghị Kiểm soát chỉ số khối cơ thể (IBM): Đánh giá sự cân đối về hình thể VĐV dựa trên tỷ lệ cân nặng và chiều cao.

3.5. Khuyến nghị Kiểm soát trọng lượng cơ thể: Kiểm soát cân nặng là một phần không thể thiếu trong quy trình điều trị thừa cân, béo phì, giúp HLV, VĐV hiểu rõ tình trạng cân nặng của bản thân. Dựa vào các kết quả này, HLV có thể xây dựng Kế hoạch huấn luyện trọng điểm để giảm cân, giảm mỡ, tăng cơ bắp cho VĐV; điều trị kiểm soát các biến chứng nặng của béo phì có hoặc không có đi kèm với các bệnh đồng mắc…Đối với các môn thể thao thi đấu theo hạng cân, kiểm soát cân nặng có ý nghĩa và ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả tập luyện thi đấu, kiểm soát tốt cân nặng sẽ tránh phải sử dụng các biện pháp giảm ( hoặc tăng cân) tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như thành tích thi đấu của VĐV.
3.6. Khuyến nghị kiểm soát tỷ lệ nước (ECW): Giúp đánh giá tình trạng hydrat hóa, giúp lựa chọn chế độ uống phù hợp.

3.7. Khuyến nghị kiểm soát lượng Calo nạp vào: Máy InBody 770 cung cấp thông tin chi tiết về thành phần cơ thể, giúp HLV, VĐV có thể đánh giá tình trạng sức khỏe một cách toàn diện. Thông qua các chỉ số như khối lượng cơ bắp, khối lượng mỡ, nước trong cơ thể và mật độ xương, người dùng có thể phát hiện và theo dõi các vấn đề sức khỏe như béo phì, suy dinh dưỡng, loãng xương…đặc biệt lượng Calo được khuyến nghị nạp vào đảm bảo duy trì đúng đủ năng lượng từ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể ở ngưỡng giới hạn.
3.8. Khuyến nghị chung về huấn luyện chuyên môn: Từ các thông số tổng hợp liên quan về thành phần cơ thể VĐV giúp chuyên gia, huấn luyện viên phân tích và đánh giá thực trạng của từng VĐV làm căn cứ xây dựng kế hoạch, chương trình tập luyện, điều chỉnh dinh dưỡng phù hợp hiệu quả theo giai đoạn huân luyện trên cơ sở đặc thù loại hình thể thao.
                III. KẾT LUẬN
Việc đánh giá cấu trúc thành phần cơ thể VĐV có ý nghĩa quan trọng trong thể thao và được các huấn luyện viên, chuyên gia cũng như bác sỹ thể thao sử dụng để tối ưu hóa chế độ, chương trình huấn luyện trong quá trình chuẩn bị cho các cuộc thi đấu. Việc ứng dụng máy phân tích Inbody 770 phân tích cấu trúc thành phần cơ thể VĐV các đội tuyển thể thao quốc gia đảm bảo kết quả đo chính xác, khách quan, hệ thống đối với cấu trúc thành phần cơ thể từng VĐV.
Kết quả phân tích cấu trúc thành phần cơ thể VĐV cần được kết hợp với các đánh giá toàn diện về trình độ tập luyện: thể lực, kỹ chiến thuật, chức năng tâm sinh lý của vận động viên. Các kết quả quả kiểm tra tổng hợp này giúp các chuyên gia, HLV có được nguồn thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan về cấu trúc thành phần cơ thể của từng VĐV theo các giai đoạn huấn luyện, từ đó căn cứ phân tích, đánh giá và đưa ra khuyến nghị BHL thực hiện các biện pháp điều chỉnh kế hoạch huấn luyện, kiểm soát cơ thể, huấn luyện thể lực, chế độ dinh dưỡng VĐV phù hợp góp phần nâng cao hiệu quả công tác huấn luyện.
TÀI LIỆU THAM KHẢO              
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2024), Tài liệu tập huấn công tác tuyển chọn, đào tạo và đánh giá trình độ vận động viên thể thao cho giảng viên, giáo viên tại các cơ sở dào tạo trên toàn quốc.        
2. Lâm Quang Thành và cộng sự (2017), Ứng dụng khoa học và Công nghệ trong đào tạo vận động viên Cấp cao, Nxb TDTT, Hà Hội.                                                 
3. Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Kim Minh, Trần Quốc Tuấn (2002), Tiêu chuẩn đánh giá trình độ tập luyện trong tuyển chọn và huấn luyện thể thao, Nxb TDTT, Hà Nội.
4. https://www.inbodyvietnam.com/inbody-770
5. Мартиросов Э.Г., Николаев Д.В., Руднев С.Г. Технологии и методы определения состава тела человека. -М.: Наука, 2006. - 248 c.
6. Романов  Ю.Н. Функциональный мониторинг компонентного состава тела, осанки и экспресс-анализа мочи студентов-кикбоксёров на этапе предсоревновательной подготовки мезоцикла // Вестн. ЮУрГУ. - 2011. - №39. -С. 34–36.
7. Рылова Н. B, Aктуальные аспекты изучения состава тела спортсменов удк. Казанский медицинский журнал, 2014 г., том 95, №1.
8.Ackland T.R., Lohman T.G., Sundgot-Borgen  J. et al. Current status of body composition assessment in sport. Review and position statement on behalf of the ad hoc research working group on body composition health and performance, under the auspices of the I.O.C. medical commission // Sport med. - 2012. -Vol. 42, N 3. - P. 227–249.
9.Andreoli A., Celi M., Volpe S.L. et al. Long-term effect of exercise on bone mineral density and body composition in pos-menopausal ex-elite athletes: a retrospective study // Eur. J. Clin. Nutr. - 2012. - Vol. 66, N 1. - Р. 69–74.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thành viên
Thống kê
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay38
  • Tháng hiện tại38,266
  • Tổng lượt truy cập4,080,191
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây