Tác động của khẩu trang vải lên thể lực thông qua các chỉ số sinh lý
Một nghiên cứu của nhóm tác giả Simon Driver và các cộng sự được đăng trên tạp chí British Journal Medicine ngày 19/3/2021. Nghiên cứu có một số điểm chính sau:
Về mục đích nghiên cứu: Nghiên cứu có 2 mục đích chính (1) Xác định mức độ ảnh hưởng của việc đeo khẩu trang vải lên tình trạng thể lực thông qua sự phản ứng của một số chỉ số sinh lý, (2) mô tả mức độ trải nghiệm của người thực hiện một lượng vận động chuẩn trên máy băng chuyền thông qua test chức năng tim phổi tối đa (CPETs) trong khi vẫn đeo khẩu trang vải.
Về đối tượng nghiên cứu: Nghiên cứu lựa chọn ngẫu nhiên một nhóm người khỏe mạnh ở độ tuổi từ 18-29 tuổi (31 người).
Về phương pháp: Các đối tượng thực hiện 2 lần test CPETs (có khẩu trang vải và không có khẩu trang vải) trên băng chuyền theo lượng vận động chuẩn Bruce. Các chỉ số sau được ghi nhận trước và sau quá trình thực nghiệm là huyết áp, nhịp tim, độ bão hòa oxy, tần số hô hấp.
Hình ảnh thực nghiệm
Kết quả nghiên cứu:
Kết quả nghiên cứu thực nghiệm trên 14 nữ và 17 nam cho thấy có sự suy giảm rõ rệt thời gian vận động [giảm Trung bình ± SD là −01:39±01:19 (phút:giây) với p<0.001];
giảm lượng oxy hấp thụ tối đa là (VO2max) (−818±552 mL/min, p<0.001);
giảm lượng không khí lưu thông mỗi phút (−45.2±20.3 L/min);
giảm nhịp tim tối đa xuống còn (−8.4±17.0 nhịp/phút, p<0.01) và
gia tăng mức độ khó thở lên (1.7±2.9, p<0.001) lần.
Kết quả cũng cho thấy có sự khác biệt lớn giữa nồng độ oxy trong máu và mức độ gắng sức ở mỗi chặng nâng bậc trong phác đồ Bruce. Tuy nhiên, tình trạng thể lực sau 7 phút thả lỏng là tương đương nhau.
Kết luận:
Đeo khẩu trang vải trong quá trình vận động ưa khí làm giảm 14% thời gian tập luyện, giảm 29% lượng oxy hấp thụ tối đa, gây cảm giác khó chịu, tù túng, hơi thở ngắn và tăng dần khi cường độ vận động tăng dần.
Lưu ý: Nghiên cứu trên được thực hiện trên khẩu trang vải, do đó, tùy mức độ thoáng khí của các loại khẩu trang khác nhau sẽ dẫn đến tác động các chỉ số sinh lý vận động khác nhau.
Huấn luyện viên, VĐV cần cân nhắc điều chỉnh tần suất, cường độ và khối lượng vận động phù hợp khi thực hiện các loại hình vận động (bài tập ưa khí/yếm khí) khác nhau trong khi đeo khẩu trang.
Tài liệu gốc:
Driver S, Reynolds M, Brown K, et al Effects of wearing a cloth face mask on performance, physiological and perceptual responses during a graded treadmill running exercise test British Journal of Sports Medicine Published Online First: 13 April 2021. doi: 10.1136/bjsports-2020-103758.