Khái niệm Lượng vận động – Khối lượng vận động

Thứ năm - 21/10/2021 09:02 6.136 0
Quá trình huấn luyện thể thao là một quá trình được sắp xếp/tổ chức mà qua đó, cơ thể và tâm trí của con người thường được đặt trong các tác nhân gây căng thẳng với khối lượng (tần suất, khối lượng, lượng) và cường độ khác nhau. Khả năng đáp ứng và thích nghi của vận động viên (VĐV) đối với khối lượng và cường độ do tập luyện và thi đấu tác động cũng quan trọng giống như sự thích nghi của một cá thể loài đối với môi trường sống có nhiều biến đổi: Không thích nghi! Không tồn tại! Đối với VĐV, không có khả năng thích ứng với các biến đổi liên tục của lượng vận động, các áp lực liên quan đến từ huấn luyện và thi đấu sẽ dẫn đến sự mệt mỏi (Fatigue) nghiêm trọng, từ đó, dẫn đến các chức năng tiêu cực như quá sức (Overeaching) và cuối cùng là quá tải (Overtraining).

 

Nguồn: Bompa (2019)

Hình 1: Các biến số lượng vận động

Một trình độ cấp cao là kết quả của việc lên kế hoạch, phương pháp huấn luyện tốt và sự thử thách trong nhiều năm. Trong khoảng thời gian này, VĐV được đòi hỏi phải thích nghi về các mặt sinh lý cũng như những đòi hỏi chuyên biệt trong kỹ thuật mà VĐV tham gia. Mức độ thích nghi của quá trình huấn luyện càng tốt, thì tiềm năng đạt trình độ cao càng lớn. Chính vì vậy, mục tiêu của bất kỳ kế hoạch nào được tổ chức tốt sẽ tạo ra sự thích nghi giúp cải thiện trình độ.

Hiệu quả của một chương trình huấn luyện thể chất là kết quả của sự vận dụng các yếu tố như khối lượng (quãng đường, thời gian, số lần lặp lại, hay trọng tải - tonnage), cường độ (vận tốc, công suất, tải trọng - load) và tần suất (mật độ - density), đây là những biến số then chốt của lượng vận động trong huấn luyện. Các biến số này nên được vận dụng theo các yêu cầu sinh lý, tâm lý mục tiêu của quá trình huấn luyện và thi đấu. Trong quá trình huấn luyện, các huấn luyện viên (HLV) luôn phải cân nhắc tùy theo mục tiêu thi đấu, thành tích yêu cầu để có sự vận dụng các biến của lượng vận động phù hợp. Các nguyên tắc vận dụng các biến này là nguyên nhân tạo nên mức độ hiệu quả mà có thể rất tốt hoặc thất bại đối với thành tích của VĐV.

Do đó, một chương trình huấn luyện nên tập trung vào sự cân đối các biến của lượng vận động sao cho phù hợp với sự thích nghi của VĐV. Huấn luyện viên phải liên tục theo dõi phản ứng của VĐV đối với chương trình huấn luyện để xác định các biến của lượng vận động có cần điều chỉnh cho các mục tiêu đã xác định hay không.

Khối lượng vận động

Theo Bompa (2019), Khối lượng vận động là thành phần chính của quá trình huấn luyện vì là điều kiện tiên quyết để đạt được thành tích cao về kỹ thuật, chiến thuật và thể lực. Khối lượng vận động đôi khi được gọi tên một cách không chính xác là thời gian huấn luyện (duration of training), đây là biến số gắn chặt với các phần không thể thiếu sau:

  • Khoảng thời gian huấn luyện.

  • Quãng đường thực hiện hay tổng trọng tải trong huấn luyện sức mạnh (Tổng trọng tải - tonnage) = Số tổ x Số lần lặp lại x tải trọng (load) theo kí lô gram.

  • Số lần lặp lại của một bài tập hay thành tố kỹ thuật mà một VĐV thực hiện trong một đơn vị thời gian.

Một định nghĩa đơn giản nhất về khối lượng vận động là tổng số lượng các vận động được thực hiện trong tập luyện. Khối lượng vận động cũng có thể được xem là tổng số công đã tập luyện trong một buổi hay một giai đoạn huấn luyện. Tổng khối lượng vận động phải được định lượng và theo dõi, dựa trên sự tác động của nó đối với năng lực thích nghi và khả năng hồi phục của VĐV sau khi tập luyện.

Theo Dedrick, M.E (1990), Fleck, S., (2004) việc đánh giá chính xác khối lượng vận động phụ thuộc vào môn thể thao hoặc loại hình vận động. Trong các môn thể thao sức bền (ví dụ như: Chạy bộ, Xe đạp, Canoeing, Trượt băng đồng, Rowing), đơn vị thích hợp để xác định Khối lượng vận động là quãng đường được tập. Theo Plisk, S.S (2003), Siff, M.C (1999), trong bộ môn Cử tạ hay huấn luyện sức mạnh thì Tổng trọng tải (the tonnage) hay số tấn của một buổi tập/giai đoạn tập được biểu thị bằng đơn vị nhỏ nhất là kí lô gram (Tổng trọng tải - tonnage) = (Số tổ x Số lần lặp lại x mức trở kháng theo đơn vị kí lô gram) được xem là phù hợp. Ngoài ra, một đơn vị tính khối lượng vận động rất thực tế là xác định tổng số lần lặp lại cho mỗi vùng cường độ. Tổng số lần lặp lại có thể được sử dụng để tính khối lượng vận động của một số môn hay loại hình vận động sau: các bài tập plyometric (là các loại hình bài tập sử dụng lực và tốc độ ở các chuyển động cơ học khác nhau để phát triển sức mạnh tốc độ), động tác ném bóng/đánh bóng và môn điền kinh. Mặc dù hầu hết các môn thể thao đều sử dụng một mẫu số chung trong tính khối lượng vận động là thời gian, tuy nhiên, theo các tác giả Leutshenko, A.V., (2000), Luebbers, P.E (2003), Lyman, S., (2001) thì cách tính khối lượng vận động hợp lý nhất là theo vùng cường độ.

Theo thời gian phát triển của thể thao hiện đại, chúng ta dễ dàng nhận thấy khối lượng vận động của VĐV được nâng cao qua từng năm.

 

 Nguồn: Bompa (2019)

Hình 2: Sự tăng tiến khối lượng vận động của VĐV qua các năm đào tạo

Khi VĐV có sự thích nghi tốt hơn đối với giáo án tập luyện, thì tổng khối lượng vận động càng được nâng cao để kích thích sự cải thiện các chỉ số sinh lý nhằm cải thiện thành tích. Khi đã đạt được một cấp độ cao nhất định (khối lượng vận động), các yếu tố sinh lý vận động sẽ tiếp tục được kích thích hơn nữa bởi sự gia tăng một lượng vận động chuyên biệt theo kế hoạch huấn luyện năm, thay vì gia tăng khối lượng vận động vô hạn định. Lúc này, sự gia tăng về kỹ thuật, chiến thuật huấn luyện là rất cần thiết bởi vì số lần lặp lại cao rất cần thiết để cải thiện thành tích thi đấu.

Theo bạn, bộ môn thể thao của mình có cách tính khối lượng vận động nào là thích hợp? Có công cụ, phương pháp nào giúp hỗ trợ bạn định lượng được khối lượng vận động phù hợp? Bạn đã định lượng được khối lượng vận động của môn mình chưa?

Tài liệu tham khảo:
Tudor O. Bompa and Carlo A. Buzzichelli (2019) Periodization : theory and methodology of training, ISBN: 978-1-4925-4480-7, Human Kinetics.
DEDRICK, M.E., and P.M. CLARKSON. The effects of eccentric exercise on motor performance in young and older women. Eur J Appl Physiol Occup Physiol 60:183-186, 1990.
FLECK, S., and W.J. KRAEMER. Designing Resistance Training Programs. 3rd ed. Champaign, IL: Human Kinetics, 2004.
PLISK, S.S., and M.H. STONE. Periodization strategies. Strength Cond 25:19-37, 2003.
SIFF, M.C., and Y.U. VERKHOSHANSKY. Supertraining. Denver, CO: Supertraining International, 1999.
LEUTSHENKO, A.V., and A.L. BERESTOVSKAYA. The main elements in the planning of training for elite discus throwers. In: The Throws: Contemporary Theory, Technique, and Training. J. Jarver, ed. Mountain View, CA: Tafnews Press, 2000, pp. 106-108.
LUEBBERS, P.E., J.A. POTTEIGER, M.W. HULVER, J.P. THYFAULT, M.J. CARPER, and R.H. LOCKWOOD. Effects of plyometric training and recovery on vertical jump performance and anaerobic power. J Strength Cond Res 17:704-709, 2003.
LYMAN, S., G.S. FLEISIG, J.W. WATERBOR, E.M. FUNKHOUSER, L. PULLEY, J.R. ANDREWS, E.D. OSINSKI, and J.M. ROSEMAN. Longitudinal study of elbow and shoulder pain in youth baseball pitchers. Med Sci Sports Exerc 33:1803-1810, 2001.

Nguồn tin: Võ Châu Tường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thành viên
Thống kê
  • Đang truy cập18
  • Hôm nay5,793
  • Tháng hiện tại29,956
  • Tổng lượt truy cập3,099,117
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây