Tại buổi làm việc, các đơn vị đã báo cáo khái quát kết quả, công việc đã thực hiện trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022 cũng như kế hoạch từ nay đến cuối năm. Lãnh đạo các đơn vị cũng đã trình bày những khó khăn, kiến nghị giải pháp tháo gỡ với lãnh đạo Bộ, trong đó nổi bật là những bất cập, khó khăn trong công tác tuyển sinh, chỉ tiêu biên chế và cơ sở vật chất.
Thể thao đang thiếu chuyên gia
PGS.TS Đặng Hà Việt, Hiệu trưởng Trường ĐH TDTT TP.HCM cho biết, Nhà trường trú đóng tại TP.HCM là một trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước, chính vì thế luôn tận dụng các lợi thế vốn có để đẩy mạnh và phát triển công tác dạy học, cũng như các hoạt động TDTT trong và ngoài thành phố. Hiện Nhà trường đang hợp tác có hiệu quả với nhiều trường đại học, học viện trên thế giới và các tổ chức thể thao thế giới, qua đó, dành nhiều suất học bổng có giá trị, tạo được việc làm tốt cho sinh viên. Tuy nhiên, trường vẫn gặp không ít khó khăn, về công tác tuyển sinh và cơ sở vật chất.
Toàn cảnh buổi làm việcHiện nay Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia TP.HCM quản lý 39 đội tuyển (trong đó có 10 đội tuyển trẻ, 2 đội thể thao người khuyết tật) với 1 chuyên gia, 113 huấn luyện viên, 481 vận động viên. Nhiệm vụ trọng tâm của các đội tuyển năm 2022 là quyết tâm hoàn thành tốt chỉ tiêu được giao của các đội tuyển tham gia SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam vào đầu tháng 5 và Đại hội Thể thao châu Á 2022 tại Hàng Châu, Trung Quốc và các giải quốc tế khác. Giám đốc Trung tâm Võ Quốc Thắng đề nghị lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục TDTT sớm cho phép Trung tâm thành lập Ban cơ sở 3 tại TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và có quyết định giao bổ sung biên chế đáp ứng vị trí việc làm để quản lý, đưa vào sử dụng cơ sở 3 một cách có hiệu quả. “Bên cạnh đó, kính mong lãnh đạo Bộ và Tổng cục quan tâm đến việc thuận chủ trương và hỗ trợ cho Trung tâm được thuê chuyên gia cho các đội tuyển Bơi, Điền kinh, Boxing, Xe đạp, Judo,… vì đây là những đội tuyển có vận động viên tham dự và tranh chấp huy chương các giải đấu lớn như: Olympic, ASIAD… Đồng thời, quan tâm đến nguồn kinh phí sự nghiệp cấp cho công tác quản lý, chăm sóc vận động viên; kinh phí cải tạo, sửa chữa và đầu tư trang thiết bị huấn luyện, trang thiết bị Y học hàng năm”, ông Thắng kiến nghị.
Kiến nghị nhiều nội dung cho ngành Văn hóa
PGS.TS Nguyễn Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho biết, từ ngày 31.5-30.10.2021, Trường đã chuyển giao cơ sở 2 cho UBND TP.Thủ Đức trưng dụng làm nơi cách ly bệnh nhân F1 và làm Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân F0.
PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM cũng kiến nghị, Trường vừa xây xong nhà học lý thuyết 11 tầng, tuy nhiên còn một hạng mục rất quan trọng là hội trường, đến nay vẫn chưa được ghi vốn, do đó kính mong Bộ hỗ trợ kinh phí để hoàn thành cơ sở vật chất, có nơi phổ biến các chính sách, quy định, là nơi sinh hoạt chung cho Trường.
Tham dự buổi làm việc, Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Trần Thế Thuận báo cáo với lãnh đạo Bộ nhiều phần việc đã triển khai thực hiện trong thời gian qua. Theo đó, năm 2021, Sở đã tham mưu trình UBND TP ban hành quyết định phê duyệt 4 đề án: Chiến lược phát triển ngành Văn hóa TP.HCM giai đoạn 2020-2035; Phát triển ngành Thể dục thể thao TP.HCM đến năm 2035; Tổ chức Lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao tiêu biểu TP.HCM giai đoạn từ năm 2020-2030; Nghiên cứu xây dựng tiêu chỉ đánh giá gia đình hạnh phúc ở TP.HCM giai đoạn 2021-2030, làm nền tảng cho việc xây dựng các chương trình, chế độ, chính sách phát triển sự nghiệp văn hóa và thể thao thành phố. Đồng thời, triển khai nghiên cứu thực hiện 9 đề án phát triển ngành, đang hoàn thiện trình UBND TP phê duyệt.
Hiệu trưởng Trường ĐH TDTT TP.HCM Đặng Hà Việt,Ngoài ra, lãnh đạo các đơn vị còn lại như Sở Du lịch TP, Nhạc viện TP.HCM, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, Trường Trung cấp Múa cũng đã trình bày những khó khăn, bất cập trong các quy định hiện hành, kiến nghị Bộ hỗ trợ tháo gỡ. Lãnh đạo các Vụ Đào tạo, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch, Tài chính… cũng đã phân tích và hướng dẫn các đơn vị một số nội dung liên quan.
“Các đơn vị còn lúng túng trong việc giải bài toán đầu ra và đầu vào”
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao tính cầu thị và những phát biểu chân thành mang tính xây dựng của các đơn vị. Bộ ghi nhận và biểu dương những đóng góp của các đơn vị văn hóa - thể thao - du lịch trên địa bàn thành phố.
Bộ trưởng ghi nhận, trong giai đoạn khó khăn, một số đơn vị đã nhanh chóng, kịp thời triển khai cách thức đào tạo của các nước, các quốc gia trên thế giới có nền tảng tiên tiến, để tập trung định vị lại cơ sở, qua đó hoàn thành mục tiêu sứ mệnh, nâng tầm nhìn và bước đầu đã thực hiện tốt. Các đơn vị cũng đã linh hoạt hơn trong vấn đề làm công tác đào tạo theo chỉ tiêu của Bộ GD&ĐT, thỏa mãn nhu cầu người học nhưng đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu phát triển của cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo ngành tại TP.HCM vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
“Trong chủ động về cụ thể hóa, thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, các chủ trương và chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực đào tạo, chúng ta chưa thật sự triệt để, kịp thời. Các đơn vị vẫn còn lúng túng trong việc giải bài toán đầu ra và đầu vào. Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu các đề tài cấp Bộ, cấp quốc gia, thiếu sự năng động, sáng tạo trong khi đó chúng ta đang đóng trên địa bàn TP.HCM vô cùng năng động”, Bộ trưởng nhắc nhở và đề nghị, “Từ những thuận lợi và khó khăn vừa qua, các đơn vị phải xây dựng cho được hình ảnh Nhà trường, thực hiện tốt phong trào dạy tốt - học tốt, rà soát để đổi mới chương trình đào tạo, chú trọng sự tương thích giữa con người đào tạo và bằng cấp thực tế. Cùng với đó phải xem xét những khoảng trống, những lỗ hỏng trong đơn vị để tự bổ túc, cũng như nhìn nhận những vấn đề sau dịch Covid-19 để lại, qua đó kịp thời thay đổi sao cho phù hợp. Trong tình hình mới các đơn vị cần năng động sáng tạo hơn, có khát vọng cống hiến, nêu gương”.
Nguồn tin: THÙY TRANG - HỒNG HẠNH, Báo điện tử Văn hóa (www.baovanhoa.vn)
Ý kiến bạn đọc